Lưu ý khi lựa chọn lưới in lụa - Congdongin.com

Thứ bảy - 18/06/2016 07:01
Tư vấn và đào tạo in lụa trên mọi chất liệu, hướng dẫn sử dụng mực in lụa, vật tư in lụa, căng khung lụa, gia công chụp bản... Liên hệ Ms Loan 0976 249 627 hoặc tham gia các khóa tư vấn in lụa trực tuyến tại kênh Youtube - Mucinlua.com

Như đã biết, in lưới thường bao gồm các công đoạn sau :
+ Chọn lưới, chọn vật liệu in
+ Căng khung-rửa lưới-sấy khô-lên keo-sấy khô
Thiết kế - tách màu – ra phim
+ Chụp bản - hiện ảnh - sấy khô - sửa bản - xử lý làm cứng bản
+ Định vị khung lưới , vật in – đưa mực in lên khung - gạt mực - sấy khô ( sấy nhiệt hoặc UV ) - kiểm tra – thành phẩm .
 
Trong quá trình sản xuất in ấn với số lượng lớn, chỉ cần lơ là không chú ý đến một khâu trong chuỗi mắt xích này sẽ lập tức tạo nên hàng loạt những vấn đề từ lớn đến nhỏ mà nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất . Bài viết dưới đây chỉ đề cập đến một số vấn đề thường gặp trong quá trình sản xuất in lưới nhưng lại thường bị xem nhẹ và bỏ qua .
 
I. Màu sắc lưới 
Hiện nay trên thế giới, lưới in thường có các màu trắng, vàng, đỏ, hổ phách … ( ở Việt Nam phổ biến nhất là lưới màu trắng ) trong đó lưới màu vàng được coi là tốt nhất . Đối với các sản phẩm yêu cầu độ nét cao, người ta thường chọn lưới vàng T270-T280 , trong một số trường hợp có yêu cầu đặc biệt về độ nét có thể dung tới lưới T350 .
 
Nhưng tại sao lại chọn lưới vàng ?
 
Chúng ta đều biết các màu sắc rực rỡ trong tự nhiên đều do tác dụng của ánh sáng tạo nên . Màu sắc của ánh sáng tạo nên màu sắc của vạn vật, còn màu sắc của ánh sáng lại do bước sóng ánh sáng quy định . Trong tự nhiện, các màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, tím là những phần ánh sáng mà thần kinh thị giác của con người có thể cảm nhận được. Khi ánh sáng chiếu lên bề mặt vật thể sẽ phản xạ lại hoặc bị bề mặt vật thể hấp thu , phần ánh sáng phản xạ tới mắt của chúng ta mang màu gì sẽ cho chúng ta cảm giác màu của vật thể như vậy , hay nói cách khác màu sắc mà chúng ta nhìn thấy đều là màu sắc của ánh sáng . Ví dụ, khi có ánh sáng chiếu lên bề mặt vật thể có màu vàng, sẽ chỉ cóánh sáng màu vàng bị phản xạ lại, các màu khác đều bị hấp thu, nên màu vật thể mà chúng ta nhìn thấy là màu vàng .
 
Trong chụp bản, ánh sáng mà chúng ta sử dụng là ánh sáng tím - được tạo thành từ sự kết hợp của hai màu xanh và đỏ , hay màu đen bớt đi màu vàng . Khi ánh sáng đi qua phần trong của phim chụp và lớp cảm quang, đến bề mặt lưới vốn nằm giữa 2 lớp màng cảm quang, nếu lưới là màu trắng sẽ sinh ra các hiện tượng phản xạ, khúc xạ, khuếch tán ánh sáng và bộc lộ ngay ở phần đáy của bề mặt lớp màng cảm quang , khiến hình ảnh xuất hiện những vết mờ . Trong khi đó lưới vàng lại kết hợp được với ánh sáng tím tạo thành màu đen, nên bề mặt lưới vàng hầu như không phản ứng với ánh sáng chụp, giúp cho hình ảnh của bản chụp đạt được độ nét cao nhất .
 
II. Lên keo , quét keo .
 
Trong quá trình lên keo cần chú ý dùng máng lên keo có độ dài phù hợp với kích thước khung lưới tránh việc lên keo không đều . 
Đổ keo chụp đã pha chế vào máng keo sao cho lượng keo chiếm khoảng 1/2 máng keo . Đặt máng keo nghiêng và tiếp xúc vừa đủ với bề mặt lưới, từ từ kéo máng keo theo hướng từ dưới lên trên . Trong quá trình quét keo chú ý không kéo quá nhanh cũng không kéo quá chậm . Kéo quá nhanh làm keo xuất hiện bọt khí, khiến màng keo bị lỗ châm kim ; kéo quá chậm dẫn đến lên lớp keo lên không đều . Để đạt được hiệu quả lên keo tốt nhất, phần diện tích lên keo chỉ nên nhỏ hơn một chút so với diện tích mặt lưới , tiến hành quét mặt ngoài khung lưới ( phần sẽ tiếp xúc với vật in ) trước , đảo đầu khung lưới quét thêm một lượt nữa , sau đó lặp lại quá trình này với mặt trong của khung lưới . Sau khi quét keo, sấy khung lưới ở nhiệt độ 30 – 35 độ C để rút ngắn thời gian khô của keo , nhiệt độ sấy không nên quá 40 độ C vì sẽ khiến bề mặt khung lưới sản sinh lớp muội tro do nhiệt độ . Độ nhạy sáng của keo cảm quang khi ở dạng lỏng rất thấp , và sẽ tăng dần theo độ khô của keo , do đó trước khi đưa vào chụp, cần đảm bảo lớp keo đã khô hoàn toàn để rút ngắn thời gian chụp bản .
 
Do sự khác biệt giữa các dòng keo chụp cũng như yêu cầu chụp mà số lần quét keo có thể không giống nhau , độ dày mỏng của lớp keo lại quyết định đến độ sắc nét cũng như độ bền của bản chụp nên người sử dụng cần có những thay đổi linh hoạt để phù hợp với yêu cầu sản xuất .
 
Phòng chụp bản cần giữ sạch sẽ bởi nếu khung lưới dính bụi cũng sẽ gây nên hiện tượng lỗ châm kim trên bản lưới . Đồng thời khu vực dùng để lên keo và sấy lưới không được quá sáng , nếu để ánh sáng lọt vào sẽ dễ gây hiện tượng màng mờ trên bản lưới, ảnh hưởng đến độ sắc nét và độ bão hòa của sản phẩm in .
 
III. Chụp bản, sửa bản 
 
Trước khi chụp bản cần kiểm tra kỹ phim chụp và tấm kính bàn chụp xem có dính bụi bẩn hay không, tốt nhất nên lấy vải bông thấm cồn lau thật sạch mặt kính trước khi chụp . Trong khi chụp cũng phải chú ý đặt mặt thuốc của phim tiếp xúc thật sát với mặt cảm quang của khung lưới . Khi chụp, phải căn cứ theo cường độ ánh sáng chụp , chủng loại keo chụp, độ dày lớp keo , độ đen của phim chụp và yêu cầu in ấn để quyết định thời gian chụp sao cho phù hợp . Nếu lớp keo cảm quang càng dày thì thời gian chụp càng phải dài mới khiến lớp keo “chết” triệt để . Nếu hình ảnh trên phim chụp không đủ độ đen thì cần rút ngắn thời gian chụp và kéo dài thời gian hiện ảnh cho phần hình ảnh không bị cảm quang có thời gian bộc lộ hết .
Sau khi hiện ảnh, cần dùng bọt biển hoặc các loại giấy vải sạch cho tính thấm hút cao lau sạch phần nước đọng trên bề mặt bản lưới rồi mới tiến hành sấy hay để khô tự nhiên . Khi sấy khô nếu để nhiệt độ quá cao sẽ khiến hình ảnh trên bản in sai lệch so với phim gốc hoặc làm giãn bản lưới, ảnh hưởng đến độ chuẩn xác khi in chồng màu .
 
Để nâng cao độ bền, khả năng chịu nước hay dung môi của bản lưới,có thể đưa bản lưới chụp thêm lần 2 hoặc gia cố bằng dung dịch làm cứng bản , tuy nhiên bản lưới sau khi gia cố bằng dung dịch cứng bản sẽ không thể thu hồi để tái sử dụng . Dùng băng dính gia cố thêm phần đường biên của hình ảnh hoa văn , dùng keo vá lưới hoặc keo chụp bịt kín những phần bị rỗ hay châm kim để tránh rò rỉ mực trong khi in . Đối với phần hình ảnh bị dính bẩn hay còn sót lại chút ít keo chụp có thể dùng băng dính chấm dán gỡ ra, hoặc dùng cồn hay cyclo lau nhẹ để mực xuống đều, không gây bít bản . Các động tác chỉnh sửa bản lưới đều phải tiến hành nhẹ nhàng, tỉ mỉ, vì chỉ sai một ly cũng có thể làm hỏng bản lưới !
 
IV. In
 
Thông thường ở một xưởng in có quy mô cỡ vừa trở lên, các công đoạn in không phải do một người hoàn toàn đảm nhận màđược phân chia cho nhiều người . Chỉ có làm tốt, xử lý tốt và kiểm tra hoàn chỉnh từng công đoạn không để xảy ra sai sót mới có thể tạo ra sản phẩm làm hài lòng khách hàng . Mà điều kiện tiên quyết để có được một sản phẩm in tốt là sự kết hợp hoàn hảo giữa ba yếu tố : bản lưới, mực và in . Một số người cho rằng trong in lưới, chỉ có bản lưới mới quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm in và quá trình in chỉ là sự kiểm tra chất lượng bản chụp mà quên rằng một bản chụp tốt chỉ là tiền đề để có một sản phẩm in lý tưởng . Có trong tay một bản chụp đẹp và ổn định, nhưng công nhân in lại cẩu thả và không chịu để tâm khi in thì cũng chỉ có thể tạo ra những sản phẩm in lỗi hỏng .
 
Chính vì vậy, trước khi đưa sản phẩm vào in với số lượng lớn, cần in thử sản phẩm để kiểm tra các thông số về màu mực, độ dày mỏng của lớp mực, quy cách và độ chuẩn xác khi chồng màu để có những điều chỉnh kịp thời . Nếu chồng màu chưa chuẩn có thể chỉnh lại vị trí khung lưới hay bàn in . Nếu màu mực không đúng yêu cầu cần kiểm tra lại xem đã chọn đúng mực hay chưa, nếu chưa đúng phải lập tức thay đổi mực . Nếu bề mặt lớp mực in không đẹp, nên lau lại bề mặt vật in và dùng dung môi lau sạch phần hình ảnh trên lưới để cải thiện độ xuống mực và độ trơn nhẵn của vật in . Nếu đường biên hình ảnh và các lớp mực có độ sai khác lớn thì nên đổi khung lưới mới . Đồng thời trong quá trình in phải lưu ý các điểm sau :
 
(1) Do khung lưới phải chuyển động liên tục trong quá trình in khiến giá khung liên tục chịu rung và va đập, lâu dần sẽ dẫn đến sai lệch vị trí giữa chúng , điều này làm gây sai lệch trong chồng màu, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm in . Vậy nên trong quá trình in phải thường xuyên kiểm tra cự ly định vị khung lưới và kịp thời điều chỉnh .
 
(2) Thường xuyên kiểm tra mẫu in : Trong quá trình in, nếu phát hiện mẫu in bị thiếu mực cần lập tức lau sạch bản lưới . Tình trạng này do bản lưới bị bắt bụi hoặc do lớp mực in khô làm bít bản gây nên . Nếu phát hiện màu sắc mực không đều hoặc nhạt màu , có thể do mực quá đặc , khi đó cần dùng dung môi pha loãng mực, đồng thời dùng dầu hoặc dung môi lau lại bản lưới để tránh thấm mực hoặc bít lưới .
 
(3) Khi in các sản phẩm nhựa , nếu thấy bề mặt in không nhẵn mịn , bề mặt mực xuất hiện các đốm thâm li ti , rất có thể do bề mặt của vật in đã xuất hiện hiện tượng tĩnh điện do ma sát . Khi đó cần dùng máy khử tĩnh điện hay chổi quét tĩnh điện để khử tĩnh điện trên bề mặt vật in , hoặc dùng miếng bọt biển thấm dung môi lau sạch mặt vật in, chờ khô trước khi in.
Để biết thêm thông tin chi tiết quý khách vui lòng liên hệ:
TRUNG TÂM TƯ VẤN VÀ CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT IN NAM NINH THIÊN BA
Địa chỉ: Lô A - 906 - Số 111B Chung cư Quang Thái - Lý Thánh Tông - P.Hiệp Tân - Q.Tân Phú  
Văn phòng tại Hà Nội: 67B Trương Định Hai Bà Trưng - Hà Nội
Kho tại Hà Nội : Số 18 Tam Trinh - Hoàng Mai - Hà Nội
Xưởng gia công: 30 Tân Mai - Hoàng Mai - Hà Nội

Tư vấn trực tuyến 24/7 Làm việc cả T7 và chủ nhật.
Ms Loan: 0976 249 627
Mr Hùng: 0985 748 369
Mr Huyên: 0966 63 1717

Email: dinhgia369@gmail.com - nguyen.loan1408@gmail.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục sản phẩm

Thống kê
  • Đang truy cập42
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay6,141
  • Tháng hiện tại285,331
  • Tổng lượt truy cập21,804,228
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây